Bắt đầu từ cuối tháng 7/2010, làng game Việt bỗng trở nên u ám đến kỳ lạ do các các cơ quan quản lý bắt đầu xiết chặt việc quản lý game online. Cùng với đó là việc trông chờ vào quy định quản lý game online mới thay thế cho TT 60 đã quá lỗi thời vẫn chưa được ra mắt khiến cho các doanh nghiệp game trở nên lao đao. Cộng đồng game thủ sau một thời gian nhốn nháo, xôn xao thì bây giờ đã tĩnh lặng trở lại, một phần quay lại với các tựa game trong nước, một phần thì rủ nhau chơi game tại các máy chủ quốc tế.
Bộ mặt của làng game Việt sẽ ra sao trong 3 tháng cuối năm 2010 này? Mời các bạn cùng Xứ sở Game Online điểm qua vài nét đáng chú ý sau.
Doanh nghiệp, game thủ mòn mỏi chờ luật mới
Thông tư liên tịch về quản lý trò chơi trực tuyến (online game) số 60/2006/TTLT/BVHTT-BCVT-BCA được ban hành từ năm 2006 hiện đã không còn phù hợp với tốc độ phát triển của ngành game trong nước. Dự thảo về quy chế quản lý game online mới đã được lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau và được trình lên Chính phủ đợi ban hành.
Nhưng, doanh nghiệp và game thủ đợi mãi thì chẳng thấy luật đâu. Tháng 8, tháng 9 rồi lại tháng 10 nhưng doanh nghiệp và game thủ vẫn như dân vùng hạn mong mưa, càng mong càng mất hút. Các cơ quản lý địa phương thì tiến hành hàng loạt các biện pháp kiểm tra, giám sát, điều chỉnh các doanh nghiệp game do chính quy định của họ tự làm ra.
Bao giờ thì quy định quản lý game online mới được ra mắt?
Và khi cơ quản lý quản lý nhà nước vào cuộc thì doanh nghiệp bắt buộc phải chấp hành cho dù muốn hay không muốn. 2 tựa game MMOFPS phải ngưng phát hành, 1 game bị cấm tại TP.HCM và hàng chục đầu game khác sống trong im lặng và đợi ngày ra đi. Trong khi đợi chờ một quy định mới thì doanh nghiệp phải chấp nhận chịu thiệt. Một tháng, 2 tháng hay 3 tháng thì còn có thể chịu được chứ 6 tháng hay 1 năm thì con số thiệt hại này lên đến hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn người bị mất việc thì chắc chắn không doanh nghiệp nào cũng chịu đựng được, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa chắc chắn chỉ còn nước phá sản mà thôi.
Vẫn biết là không nên hi vọng những gì quá tầm tay của mình nhưng hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh game online và cộng đồng game thủ trong cả nước đều mong muốn các cơ quản quản lý nhà nước nhanh chóng ban hành quy định mới để thuận tiện cho việc quản lý của nhà nước cũng như kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ có khi đó game online mới thoát khỏi tiếng oan là “bạch phiến số” và game thủ mới thoát khỏi kiếp “con nghiện” mà người đời gán cho.
Dư luận nhìn nhận khách quan hơn về game online
Ngay từ cuối tháng 7, hàng loạt các bài báo có cái nhìn phiến diện, thiếu hiểu biết liên tục xuất hiện trên các báo lớn để tìm cách gán ghép game và game online với các tệ nạn xã hội. Nào là kẻ trộm cắp là game thủ có số má hay bé gái 9 tuổi bị đứt môi khi chơi game online trong khi em bé người Anh này chơi là Nintendogs, một game nuôi thú ảo trên hệ máy cầm tay Nintendo DS.
Báo chí cần cái nhìn khách quan hơn đối với game online.
Các bài viết này chứng tỏ một điều rằng người viết không có một tý hiểu biết nào về game online cả, thậm chí họ còn không thể phân biệt được đâu là game offline và đâu là game online cho nên cứ thấy tệ nạn xã hội hay game là vu vạ hết cho game online. Thật là hết biết.
Vấn đề nào cũng có hai mặt của nó và game online cũng vậy. Cộng đồng game thủ không phủ nhận các tiêu cực còn tồn tại trong game và sẵn sàng đón nhận góp ý từ nhiều phía để khắc phục. Tuy nhiên những góp ý này phải có thiện chí, có hiểu biết về game chứ không phải là những chỉ trích điên cuồng, thiếu tinh thần xây dựng.
Báo chí là phải khách quan và có cái nhìn hai mặt của một vấn đề nhưng đa số các bài báo viết về game online lại không được như vậy. Hi vọng, từ cuối năm 2010 về sau, các bài báo thiếu hiểu biết về game online sẽ không còn nữa và thay vào đó là những bài viết khách quan hơn, đúng hơn về cộng đồng game thủ cũng như game online, một ngành công nghiệp giải trí đang phát triển ngày một mạnh mẽ.
Nhà phát hành cải thiện chất lượng dịch vụ
Không được phát hành game online mới khiến cho các nhà phát hành trong nước lao đao và phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ cho các sản phẩm đang vận hành của mình. Đi đầu trong công cuộc này phải kể đến VNG. Ngày 20/07/2010, tại buổi họp định kỳ hàng quý của VNG, ông Lê Hồng Minh, tổng giám đốc VNG đã nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm nay, VNG sẽ không ra mắt thêm bất kỳ sản phẩm game mới nào. Mà thay vào đó là việc tập trung hoàn thiện các sản phẩm game đang có mặt trên thị trường, xây dựng lại bộ máy và quy trình chăm sóc cũng như hỗ trợ khách hàng tốt hơn nữa.
Cảnh đại náo trụ sở NPH như thế này chắc sẽ không xảy ra nữa.
Mở đầu là VNG rồi các đại gia khác trong ngành game như FPT Online hay VTC cũng đang thay đổi từ từ để giữ chân người chơi cũ và thu hút thêm người chơi mới. Xét trên toàn diện thì đây là điều mong mỏi của cộng đồng game thủ đã từ lâu. Sự cạnh tranh giữa các nhà phát hành game online trong nước thời gian qua đã khiến thị trường sôi động hơn nhưng chúng lại khá chụp giật và mất cân bằng. Các NPH tự điều chỉnh lại mình, có trách nhiệm với cộng đồng, game thủ hơn và giúp cân bằng lại môi trường giải trí của game online. Đây là điều mà cả xã hội mong mỏi và việc này cũng sẽ làm cho dư luận có cái nhìn khách quan về game online.
Game thủ rủ nhau chơi game quốc tế
Các NPH trong nước không phát hành game online mới nhưng không có nghĩa là các NPH quốc tế cũng sẽ làm như vậy. Hàng loạt các tựa game đỉnh mới với đủ mọi ngôn ngữ liên tục được phát hành và các game thủ sẵn sàng tham gia vào phiên bản quốc tế để trải nghiệm những tựa game mới.
Internet là một thế giới phẳng và ở đó mọi người là như nhau, chỉ cần bạn có kết nối internet mà thôi. Mặc dù, một số NPH có chặn các game thủ VN tham gia vào trò chơi do họ phát hành nhưng việc này không ngăn cản được các game thủ vượt rào tham gia vào các trò chơi này.
Mặc dù bị chặn IP nhưng các game thủ Việt vẫn vượt rào để tìm niềm vui mới.
Ví dụ điển hình cho trường hợp này là MMOARPG Vindictus do Nexon phát hành tại Bắc Mỹ. Mặc dù bị ban IP nhưng các game thủ Việt vẫn tìm mọi cách để fake IP và tham gia vào tựa game đẳng cấp quốc tế này. Việc này cũng chứng tỏ một điều không ai có thể cản được niềm đam mê với game online của giới trẻ cả.
Game online chắc chắn còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa chỉ cần các cơ quản lý có những quy định quản lý mang tính định hướng cho sự phát triển lâu dài của ngành. Hi vọng rằng, trong 3 tháng cuối năm này, màn đêm u ám bao phủ làng game Việt suốt mấy tháng vừa qua sẽ tan biến. Và ngành game sẽ trở lại sự sôi động và náo nhiệt như xưa.
Ảnh: Tổng hợp
GAMELANDVN.COM