Làng game Việt đã, đang và chắc chắn sẽ đón nhận những tựa game luôn tự hào tuyên bố rằng mình rất khủng, rất bom tấn. Chơi game cũng là nghệ thuật, mà trong lĩnh vực ảo diệu này, khó bề phân biệt được thế nào là hay dở. Cũng như xem một bức tranh, có người bảo đẹp, có kẻ bảo xấu. Vậy hãy cùng thử phân tích tựa game đang được đánh giá rất cao về chất lượng là Tân Tiên Kiếm, để xem trò chơi này có thật sự xứng đáng với một chữ “hay” không nhé.
Cốt truyện tuyến tính theo đúng phong cách game offline
Một bộ phim, một câu truyện hay trò chơi đều cần có một mạch truyện xuyên suốt và hấp dẫn. Đó có thể là bước đường trưởng thành của một chiến binh như God of War và Assasin’s Creed, là bản trường ca về cuộc chiến giữa các dân tộc như trong World of Warcraft và Age of Empires, hoặc đơn giản chỉ là một tấm chân tình vào sinh ra tử để tìm lại người yêu như cốt truyện của Tân Tiên Kiếm.
Thường thường trong các game online kiếm hiệp Trung Quốc đang tràn ngập thị trường hiện nay, yếu tố cốt truyện đa phần bị coi nhẹ. Người chơi sẽ được nhập vai một nhân vật vô danh trong một thôn trang nhỏ, đánh gà bắt thỏ để lên cấp, rồi nhận một chuỗi nhiệm vụ chẳng liên quan gì đến nhau. Nhiều người chơi thậm chí không hiểu nổi rốt cục trò chơi đang tham gia nói về cái gì và tại sao mình phải trở nên mạnh mẽ.
Tân Tiên Kiếm không phải như vậy. Được xây dựng từ game offline Tiên Kiếm Kỳ Hiệp, trò chơi có một cốt truyện sâu sắc về mối tình của một đôi uyên ương Tiêu Dao và Triệu Linh Nhi. Triệu Linh Nhi vì mang trong mình dòng máu của thần Nữ Oa mà bị bắt cóc, khiến Tiêu Dao phải vượt bao thử thách để tìm lại người trong mộng. Từng bước trưởng thành lên cấp, người chơi sẽ được theo chân Tiêu Dao trảm yêu trừ ma. Đến cuối cùng, kết cục của đôi tình nhân “chỉ muốn làm uyên ương, chẳng muốn làm thần tiên” ra sao sẽ cho chính người chơi khám phá.
Nâng cấp rõ rệt về đồ họa bằng engine Unity 3D
Có lẽ không có gì để bàn về phương diện đồ họa của Tân Tiên Kiếm. Với con át chủ bài là Unity Engine 3D, trò chơi đã vượt qua khái niệm webgame để bước vào danh sách game dạng mini client, với ưu điểm có thể chơi ở bất cứ đâu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đồ họa tuyệt vời của game cài đặt. Màu sắc của game có phần tươi tắn và cuốn hút, với “chất” màu khá hiện đại tương tự các game đến từ Nhật Bản. Các đoạn cắt cảnh cũng diễn ra liên tục khi thực hiện chuỗi nhiệm vụ chính, phô diễn khả năng mô tả chuyển động nhân vật mượt mà.
Nếu đã từng thử chơi Tân Tiên Kiếm một lần, chắc chắn một trong những ấn tượng lớn nhất của người chơi chính là các hiệu ứng kĩ năng của nhân vật. Có thể khẳng định, Tân Tiên Kiếm có cơ chế kĩ năng đa dạng và “bắt mắt” vào dạng bậc nhất trong các game kiếm hiệp hiện nay. Những tuyệt chiêu như Vạn Cổ Thực Thiên, Vạn Kiếm Xuyên Tâm…mỗi khi thi triển có thể làm người xem “rùng mình” vì sướng.
Trau chuốt về âm thanh vốn được viết riêng cho sản phẩm
Sẽ là một thiếu sót cực kỳ nếu đánh giá một trò chơi mà không thưởng thức phần âm nhạc của nó. Có những tựa game đã đi vào trái tim hàng triệu game thủ nhờ nhạc game và nhạc nền, ví dụ như Final Fantasy với Eyes on Me và Melodies of Life, Shall never surrender của Devil May Cry hay Room of Angel trong Silent Hill 4. Trong thời đại game online lên ngôi, với thời gian đầu tư và kinh phí hạn hẹp, nhiều nhà sản xuất đã xem nhẹ vấn đề này, thậm chí nhiều game chỉ có duy nhất một đoạn nhạc hoặc không có hoàn toàn phần âm thanh. Dĩ nhiên, Tân Tiên Kiếm với thời gian và chi phí đầu tư cực lớn chắc chắn không gặp phải sai lầm chết người này.
Phần âm nhạc của Tân Tiên Kiếm, thật bất ngờ, được giao vào tay một nhạc sĩ Nhật Bản. Có thể cái tên Wada Kaoru còn xa lạ với nhiều game thủ Việt, nhưng có lẽ những tác phẩm của ông thì không hề. Wada nổi tiếng với những bản nhạc nền có cảm xúc mạnh mẽ và đầy yếu tố siêu nhiên, điển hình là nhạc nền các bộ phim hoạt hình nổi tiếng như InuYasha, Battle Angel và Samurai-7. Trong lĩnh vực game, hai sản phẩm thành công nhất của ông chính là âm nhạc của tựa game Kingdom Hearts và Kingdom Hearts II. Chỉ cần có vậy cũng đủ khiến những người hâm mộ an tâm về chất lượng âm thanh của Tân Tiên Kiếm.
Gameplay cô đọng nhưng vẫn có nhiều cải tiến
Một trò chơi hay cần hội đủ 4 yếu tố là hình ảnh, âm thanh, cốt truyện và gameplay. Với ba yếu tố đầu, người chơi có thể đánh giá ngay từ khi trò chơi còn chưa chào đời. Đã có rất nhiều tựa game được tung hô nồng nhiệt khi chưa được chơi thử, nhưng chỉ vì gameplay kém đặc sắc khiến người hâm mộ thất vọng. Ví dụ kinh điển nhất cho trường hợp này chính là Final Fantasy XIV Online của Square Enix.
Ở Tân Tiên Kiếm, không nói đến những chức năng hay ho khác, ngay trong trận đánh bộ kĩ năng đã được cải tiến khá lạ với 3 loại kĩ năng tạm gọi là bị động, tự động và chủ động. Kĩ năng bị động và tự động vốn quen thuộc với người chơi, còn chủ động tương tự như một dạng chiêu cuối, khi đủ điểm nộ khí nhất định mới có thể sử dụng (mỗi nhân vật chính có tối đa 1.000 điểm nộ khí, tăng dần từ 0 và mỗi chiêu mất lượng nộ khí khác nhau). Đặc biệt hơn nữa, kĩ năng chủ động còn được tăng mạnh sát thương khi người chơi bấm đúng “combo break” yêu cầu, tương tự như chơi Audition.
Đánh giá game hay dở là tùy người, nhưng xét một cách công tâm, Tân Tiên Kiếm xứng đáng được đứng vào hàng ngũ những tựa game chất lượng nhất Trung Quốc thời điểm hiện tại. Tân Tiên Kiếm sẽ được SGame trình làng vào cuối năm nay, khi đó chúng ta sẽ biết được liệu Tân Tiên Kiếm có nhận được thành công xứng đáng hay không.