Việc một số địa phương áp dụng những cách quản lý game online theo cách riêng, dẫn đến tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu. Điều này đòi hỏi cần phải có một sự thống nhất để thúc đẩy ngành công nghiệp game phát triển.
Mỗi nơi quản lý một kiểu
Chuyện quản lý game online mỗi nơi mỗi kiểu, thể hiện rõ nhất ở việc, Sở TT&TT TP.HCM đang có những hình thức riêng để siết chặt hoạt động kinh doanh game online trên địa bàn của mình, trong khi đó ở các tỉnh khác hoàn toàn quản lý theo cách khác. Cụ thể, nếu như Sở TT&TT TP.HCM đang áp dụng các biện pháp như: buộc doanh nghiệp phải loại bỏ các hành vi bạo lực trong game online kiếm hiệp đang phát hành trên thị trường, khai báo việc kinh doanh vật phẩm trong game online, hay “chặn” game bắn súng Đột Kích trên địa bàn TP.HCM… thì ở các tỉnh khác lại hoàn toàn không sử dụng các biện pháp này. Hầu hết, các tỉnh đều tiến hành phương pháp quản lý chung theo các giải pháp tình thế mà Bộ TT&TT đưa ra và yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ đúng những quy định đó.
Chính việc không thống nhất trong quản lý đó đã gây ra khó khăn cho cả doanh nghiệp kinh doanh game lẫn các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này. Doanh nghiệp kinh doanh game thì lao đao, bởi game của họ khi phát hành đã được Bộ TT&TT kiểm định, cấp phép được lưu hành, giờ lại bị Sở bắt phải khai báo mọi thứ, sửa lại nội dung, hay thậm chí là phải “tự nguyện” đóng cửa vì vi phạm các tiêu chí bạo lực mà Sở đưa ra… Điều đáng nói là chỉ có một địa phương yêu cầu thực hiện, trong khi các địa phương khác lại không có yêu cầu gì.
Các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này, như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cũng rơi vào tình trạng “dở mếu, dở cười”. Chẳng hạn, việc “chặn” game Đột Kích mà Sở TT&TT TP.HCM đang áp dụng trên địa bàn của mình, các ISP đã gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết ISP đang quản lý các địa chỉ IP theo từng khu vực, vùng miền với các Trung tâm phụ trách liên quan đến nhiều tỉnh, thành. Vì vậy áp dụng việc chặn game riêng cho địa bàn TP.HCM là rất khó, trong khi các tỉnh khác không có yêu cầu thực hiện việc này. Chính vì thế, các ISP lại phải thiết lập cho TP.HCM một hệ thống riêng, để không ảnh hưởng đến địa bàn các tỉnh khác, điều này khiến họ mất thêm nhiều công sức, nhân lực để thực hiện.
Cần một sự thống nhất trong quản lý
Thực tế, một số biện pháp quản lý game online mà Sở TT&TT TP.HCM đang áp dụng vẫn hoàn toàn đúng luật. Chẳng hạn như việc bắt các doanh nghiệp khai báo việc kinh doanh vật phẩm trong game online là hoàn toàn áp dụng theo Thông tư 60 về quản lý trò chơi trực tuyến. Hay việc Sở yêu cầu các doanh nghiệp loại bỏ các hành vi bạo lực trong game online cũng là việc làm hoàn toàn đúng, bởi Bộ TT&TT cũng không cấp phép cho các hành vi này xuất hiện trong game online mà doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là cần có sự thống nhất trong cách quản lý giữa các Sở TT&TT trong cả nước.
Bên cạnh đó, văn bản quản lý lĩnh vực game online hiện hành vẫn đang chỉ dừng lại ở Thông tư 60, đã không còn theo kịp với tình hình phát triển của lĩnh vực này nữa. Điều này đòi hỏi cần có một văn bản quản lý mới, có một hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất hơn. Quy chế quản lý game online mới khi được ban hành, sẽ là giải pháp để chấm dứt tình trạng quản lý không thống nhất như hiện nay và doanh nghiệp kinh doanh game mới có thể xây dựng chiến lược kinh doanh của mình cho phù hợp với thị trường cũng như đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu từ cơ quan quản lý.
Ảnh: ICT News
GAMELANDVN.COM (Theo ICT News)