Để quản lý “cấp bách” hoạt động game online, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành công văn yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, từ 1/9 tới, cắt dịch vụ tới các đại lý theo giờ quy định của địa phương (khoảng từ 23h – 6h sáng hôm sau).
Ngoài ra, Bộ còn đưa ra nhiều quy định như các nhà phát hành game phải tạm dừng thực hiện quảng cáo trò chơi trực tuyến dưới mọi hình thức; cơ quan chức năng sẽ tạm dừng thẩm định, phê duyệt các nội dung kịch bản trò chơi mới trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế mới về quản lý trò chơi trực tuyến…
Tuy nhiên, dưới góc nhìn luật định, Luật sư Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội cho rằng, những quy định mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra không đúng với nhiều điều khoản trong một số bộ luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại…
Luật sư Trần Vũ Hải (áo sọc)
Trả lời VnEconomy về quan điểm của mình, Luật sư Hải nói:
Việc Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cắt đường truyền đối với các đại lý từ 23h đến 6h sáng là trái với Luật Dân sự và Luật Thương mại.
Vì, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đều cam kết cung cấp dịch vụ 24/24 giờ cho các đại lý, nếu những đại lý Internet không vi phạm hợp đồng và không vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cắt đường truyền theo quy định trên, là vi phạm hợp đồng và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 28/2009/NĐ-CP ngày 20/3/2009 của Chính phủ.
Hơn nữa, thực tế, sau giờ đóng cửa và trước giờ mở cửa, các đại lý vẫn cần sử dụng Internet cho các công việc kinh doanh update trò chơi, tải nhạc… hay cho chính nhu cầu của gia đình, vì phần lớn chủ đại lý là cá nhân hoặc hộ gia đình.
Nghĩa là theo ông, các quy định mà Bộ đưa ra để quản lý game online chưa đúng với luật pháp?
Tôi có thể chứng minh, Bộ đưa ra Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLB-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 1/6/2006 thực chất là một văn bản xác định dịch vụ liên quan đến game online thuộc những ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo qui định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp 1999 (Điều 6, khoản 2,3,4) và Luật Doanh nghiệp 2005 (Điều 7, khoản 5), “Bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”. Yêu cầu tạm dừng thẩm định, phê duyệt các nội dung kịch bản trò chơi mới, thực chất là một biện pháp hạn chế kinh doanh hoặc cấm kinh doanh có thời hạn. Điều này là trái với Luật Doanh nghiệp.
Ngay như yêu cầu tạm dừng quảng cáo game online cũng là không đúng theo pháp lệnh quảng cáo, vì chưa có quy định nào của pháp luật cấm quảng cáo dịch vụ game online, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này có quyền quảng cáo hoặc không quảng cáo những sản phẩm dịch vụ của họ được phép lưu hành.
Nhưng vì đây là vấn đề bức xúc trong dư luận nên việc Bộ ban hành các quy định này cũng chỉ là tạm thời, trong lúc đợi Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý trò chơi trực tuyến mới?
Tôi không biết đợi hay không đợi. Nhưng công văn của bộ ngành gửi đi chỉ có chức năng thúc đẩy việc thực thi các nghị định, các quy định văn bản pháp luật đã ban hành. Chưa có văn bản nào cho phép công văn được ngừng cấp phép, dừng quảng cáo cả.
Người ta không thể biến một điều luật dự kiến thành một điều luật phải thực hiện ngay. Nó chỉ có hiệu lực từ ngày ký.
Theo ông, với những quy định mà Bộ đưa ra sẽ có hiệu lực từ 1/9, liệu có thể quản lý chặt chẽ được hoạt động game online hiện nay?
Tôi đặt câu hỏi, liệu khi cắt Internet tới các đại lý trong những giờ như trên có đảm bảo rằng sẽ giảm các tụ điểm truy cập Internet trong đêm hay không. Vì những đại lý này có thể lách bằng cách sử dụng một thuê bao Internet khác hoặc phát sinh những tụ điểm truy cập Internet lậu về đêm không kiểm soát nổi.
Theo LS. Trần Vũ Hải, Việt Nam cần có một cơ quan chuyên biệt quản lý về game
Ví dụ như, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cắt đường truyền, đại lý có thể đấu nối với thuê bao Internet khác, vậy thì làm sao mà kiểm soát được.
Tôi cho rằng, yêu cầu cắt đường truyền Internet để quản lý hoạt động game online chỉ càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp thêm, vì người ta sẽ phải nghĩ ra các trò luồn lách để hoạt động. Hoặc ở thành phố, người ta có thể dùng laptop và truy cập qua Wi-Fi – điều này cũng rất đơn giản. Đấy là chưa kể, số lượng người chơi game ở gia đình cũng rất lớn.
Trong khi đó, tôi được biết, hiện có khoảng 2.000 đại lý Internet đăng ký chính thức và cũng chừng ấy là không chính thức, với số lượng lao động tổng thể ước khoảng 80.000 người. Họ chủ yếu là các cá nhân, hộ gia đình. Các quy định mà Bộ đưa ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thu nhập, đời sống của số lượng người không nhỏ này.
Như vậy theo ông, rõ ràng việc đưa các quy định, văn bản để quản lý vấn đề hoạt động game online hiện nay là không dễ?
Vấn đề xử lý game online là cực kỳ phức tạp. Độ phức tạp ở đây là về mặt pháp luật, kỹ thuật, nhu cầu giải trí, hưởng thụ của những tiến bộ và sáng chế khoa học, và cuối cùng là khả năng của Nhà nước trong việc đáp ứng nhu cầu giải trí của thanh niên.
Nếu ta không nghiên cứu kỹ các nước khác, nghiên cứu tình hình thực tế như thế nào, người chơi, tâm lý ra sao thì sẽ rất khó ban hành được văn bản có thể giải quyết được vấn đề tác động của game online.
Tác hại của game là có thật. Nó làm cho các phụ huynh lo lắng, ảnh hưởng tới tâm lý của người chơi và ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt của một bộ phận thanh thiếu niên. Nhưng cũng phải phân tích những ảnh hưởng đó có trầm trọng không và giải quyết như thế nào; trách nhiệm của nó là ai, của những người cung cấp dịch vụ game, gia đình, nhà trường hay xã hội. Như thế mới khu biệt và có cơ sở để giải quyết được vấn đề.
Đứng ở góc độ luật sư ít nhiều liên quan đến lĩnh vực game online, vậy theo cá nhân ông cần có những giải pháp như thế nào để quản lý hoạt động này?
Tôi thấy kinh nghiệm ở Hàn Quốc và Trung Quốc người ta đã xây dựng chứng minh thư điện tử. Chứng minh thư điện tử này có lợi cho rất nhiều lĩnh vực không chỉ là game, như ngân hàng, viễn thông, lý lịch tư pháp, khám chữa bệnh… Cái này không khó mà là chỉ một ngành công nghiệp mới.
Nếu ai cũng có chứng minh điện tử rồi thì việc kiểm tra rất nhanh.
Nếu dùng biện pháp tắt server thì chỉ có lợi cho nước ngoài, vì người chơi tìm đến với game của họ. Như thế ta vừa mất đi một nguồn doanh thu lớn lại không kích thích được ngành công nghiệp nội dung số trong nước phát triển.
Về mặt pháp luật, khi có chứng minh điện tử rồi, thì theo tôi, những người trên 18 tuổi được chơi tự do, nhưng khi họ chơi quá giờ nào đó cũng phải nghĩ phí tiêu thụ đặc biệt – như việc hút thuốc lá. Còn từ 18 tuổi trở xuống cũng có những cách quản lý khác nhau về hình thức chơi, giờ chơi hay trò chơi.
Nhưng trước mắt cần phải có một cơ quan chuyên biệt quản lý về game. Thành viên trong cơ quan này phải là những chuyên gia về game để quản lý được những hoạt động trong lĩnh vực vốn có nhiều phức tạp về kỹ thuật và mới mẻ như game online.
Ảnh: Tổng hợp
GAMELAND.VN (Theo VnEconomy)
Trước nay chỉ có các doanh nghiệp phát hành game đứng ra bảo vệ GO trước làn sóng phản đối dồn dập từ các kênh truyền thông trong nước.
Đây là lần đầu tiên, luật sư Trần Vũ Hải – dưới góc độ pháp lý vạch ra những nhầm lẫn mà Bộ TT-TT cần phải chú ý.
Tôi cũng đồng tình với ý kiến thành lập một cơ quan chuyên biệt về quản lý game. Những người làm luật phải hiểu rõ về những gì họ làm chứ không thể mơ hồ như cách nói của đồng chí Lê Mạnh Hà thuộc sở TT-TT TP.HCM: “Game online cũng giống như ma túy. Ai là người bán ma túy. Nhà phát hành chứ ai”.