Thời gian vừa qua, không khí của làng game Việt trở nên trầm lắng hơn bao giờ hết. Dự thảo quản lý game online (GO) trong 6 tháng cuối năm của Bộ TT-TT đưa ra đã không nhận được sự đồng tình từ người dân mà thậm chí còn bị phản đối rất nhiều.
Khó để thực hiện
Khi được biết về thông tin các quy định mới sắp tới sẽ áp dụng cho các tiệm net, khá nhiều chủ tiệm tỏ ra bất bình với những áp đặt vô lý của dự thảo này. N.P.H.Vương, chủ tiệm net Vô Đối No.1 tại Đà Lạt cho rằng sẽ chẳng thể nào thực hiện được việc ép buộc người chơi khai thông tin cá nhân để đăng ký sử dụng Internet, như vậy rất phiền hà và dễ mất khách.
Đồng quan điểm với anh, P.N.Hiếu, một người chơi tại TP.HCM cũng cho biết: “Về điều khoản yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng thực sự rất vô lý. Nếu tôi có việc gấp, ghé tiệm chỉ để gửi cái mail thôi mà cũng phải làm thủ tục để sử dụng sao? Giả sử mỗi ngày tiệm net có đến 100 người đăng ký, một tháng sẽ có 3000 người, trong đó có 2/3 là những người chỉ sử dụng một lần là không đến nữa, vậy liệu chủ tiệm đó có quản lý hết hồ sơ? Nhất là những tiệm net có số lượng máy từ 50-70 máy”.
Người sử dụng dịch vụ Internet công cộng không phải ai cũng chơi game
H.T.Nghĩa, một chủ tiệm Net tại TP.HCM cho biết: “Tiệm gần một trường học, nếu yêu cầu chuyển đi thì chính phủ phải hỗ trợ mặt bằng thì mới chịu chuyển, chứ tìm được một mặt bằng cách trường học 200m ở thành phố này đúng là không thể. Với lại thu nhập của quán chủ yếu dựa vào học sinh, nếu cấm thế này cũng chỉ còn cách đóng cửa chứ nói gì đến việc chấp hành luật”.
“Cấm thế này thì sao không cấm thẳng sự kinh doanh của các doanh nghiệp game, các tiệm net luôn đi. Làm vậy khác gì đẩy thêm người thất nghiệp ra đường. Với lại không có game thì các chương trình như phim ảnh tiêu cực vẫn chiếu vô khối trên vô tuyến. Sở có bịt chỗ này cũng lòi chỗ kia, cũng bằng không”. T.X.Bình, chủ tiệm Titan tại Đà Lạt cũng phát biểu.
Cần phải điều chỉnh lại
“Đây là dự thảo áp đặt và bóp chết sự phổ cập của Internet công cộng. Cha mẹ không quản lý được, nhà trường không giáo dục được là mọi trách nhiệm sẽ đổ lên đầu những tiệm net công cộng hay sao? Nó thật quá vô lý và không khả thi”. Trần Hữu Trí, chủ tiệm net công cộng tại Đà Lạt nói.
Theo ý kiến chung của nhiều chủ tiệm tại Đà Lạt thì việc cấm chưa phải đã tốt, không quản lý được là cấm, đã cấm thì người ta sẽ càng sử dụng và tìm nhiều cách lách. Theo anh B.T.Huy, người chơi tại TP.HCM nói: “Cấm thì người ta sẽ tìm cách để chơi, và các chủ tiệm cũng sẽ tìm cách cho người chơi sử dụng dịch vụ vào những giờ cấm này. Cấm học sinh mặc đồng phục sử dụng net trong giờ quy định thì nó chỉ cần thay đồ là xong, chưa kể những trường không có quy định mặc đồng phục. Việc bắt các chủ tiệm phải cách trường học 200m cũng là việc tốt để tránh học sinh trốn học ra đó chơi, mà đã trốn học để chơi thì chúng đâu dại gì sử dụng dịch vụ gần trường”.
Nếu cứ cấm thế này thì các tiệm net chỉ còn cách đóng cửa
Việc cấm này nếu có được chấp hành tốt thì cũng dấn đến hàng lọat những hậu quả khác. Người chơi không được sử dụng Internet họ có thể tìm những dịch vụ giải trí khác còn tệ hại hơn như đua xe, nhảy vũ trường hay dùng tiền vào những việc tiêm chích, cá độ. Vì vậy việc cấm ở đây cần phải có đồng đều giữa cấm và tuyên truyền giáo dục.
“Cái quan trọng đó chính là việc giáo dục từ gia đình và nhà trường, nếu cứ cấm thế này thì các tiệm net chỉ còn cách đóng cửa”.T.H.Trí nói. “Làm cách nào mà những người sử dụng dịch vụ Internet thấy được cái lợi và hại của nó thì mới mong giảm thiểu được tình trạng mà GO đang gây ra hiện nay, chứ cấm chưa hẳn là sẽ giảm”. T.X.B cũng phát biểu.
Thực sự không chỉ có những chủ tiệm, mà còn rất nhiều người sử dụng dịch vụ, các nhà phát hành, … cũng cảm thấy bức xúc trước những điều luật quá độc đoán và thiếu chặt chẽ. “Mong rằng sẽ có một dự thảo tốt hơn không chỉ để việc quản lý GO tốt hơn mà còn để nhận thấy rằng các nhà làm luật vẫn còn có thể làm việc tốt”. N.M.Thông phát biểu.
Ảnh: GameLand
Huy Bân