Là một game thủ chắc chắn các bạn ai cũng muốn tận tay thưởng thức những tựa game thuộc hàng đẳng cấp trên thế giới như: World of Warcraft, Aion, LineAge II, … Và xa hơn nữa, những game thủ Việt vẫn mong muốn có một ngày được “mở mày mở mặt” với bạn bè trên thế giới với những tựa game đẳng cấp thế giới do các công ty game tại Việt Nam phát triển.
Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có tựa game đầu tiên là Thuận Thiên Kiếm do GSS (công ty VNG) phát triển. Ngay như Thuận Thiên Kiếm vẫn đang phải “chật vật” để có thể sống được trong sự cạnh tranh gay gắt của các tựa game ngoại nhập và VNG vẫn đang phải bù lỗ cho tựa game này. Chắc chắn không ít người đặt hỏi “Với tình trạng như thế này, đào đâu ra MMO đẳng cấp thế giới của Việt Nam?”. Chắc chắn đây không phải là lạc quan tếu hay một cái gì đại loại như thế mà chắc chắn rằng Việt Nam vẫn có thể làm ra những MMO đẳng cấp thế giới nếu như hội tụ đủ tất cả các điều kiện sau.
Sự quan tâm thích đáng từ chính phủ
Game đang dần trở thành một ngành công nghiệp giải trí hàng đầu thế giới và vượt mặt các dịch vụ “hái ra tiền” xưa nay như điện ảnh hay ca nhạc. Và bất cứ một ngành nghề nào muốn phát triển được đều phải có sự quan tâm thích đáng từ các cơ quan nhà nước và chính phủ.
Nhìn ra hai thị trường game online lớn nhất châu Á là Hàn Quốc và Trung Quốc hiện nay, chúng ta có thể thấy rõ sự phát triển vượt bậc của họ đến như thế nào khi được chính phủ quan tâm và hỗ trợ. Chính phủ Trung Quốc đã từng đầu tư tới 2 tỷ USD dành cho game online và các tựa game đến từ đất nước vạn lý trường thành đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong nước rồi vươn ra thị trường quốc tế. Chính phủ Hàn Quốc cũng vừa mới tài trợ cho dự án Tera Online của Bluehole Studio tới 500 triệu won để tấn công ra thị trường thế giới trong kế hoạch toàn cầu 2010.
Game online cần sự quan tâm thích đáng từ chính phủ.
Nhìn lại thị trường Việt Nam thì chúng ta mới cảm thấy ngán ngẩm làm sao. Một ngành dịch vụ tạo ra doanh thu hàng trăm triệu USD, đóng thuế cho nhà nước cả trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người nhưng lại bị coi là “ma túy số”. Các chính sách quản lý thì chưa đồng bộ khiến cho các công ty phát hành trong nước thì lao đao, game thủ bỏ game trong nước, chơi game quốc tế khiến cho tình trạng chảy máu nội tệ là không thế tránh khỏi.
Ngay như các vị lãnh đạo của Việt Nam cũng đã từng nói “game online có thế giúp truyền bá lịch sử” tuy nhiên phải đến bao giờ thì game online mới được coi là ngành dịch vụ giải trí đúng nghĩa chứ không phải là “ma túy số”. Chỉ khi nào, game online được nhìn nhận một cách khách quan nhất và chính phủ có sự quan tâm đúng mức tới ngành công nghiệp này thì chúng ta mới có cơ hội tạo ra những tựa game đẳng cấp thế giới.
Doanh nghiệp dám đầu tư mạnh
Bên cạnh sự quan tâm của chính phủ thì một yếu tố quan trọng không kém chính là sự đầu tư của các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực này. Ngay như Thuận Thiên Kiếm mà VNG cũng đã tiêu tốn mất 25 tỷ VNĐ (chưa bao gồm các khoản phụ trội liên quan tới quá trình truyền thông, nhân lực, …). Có thể nói đây là một con số quá lớn nếu so với việc mua game ngoại về phát hành nhưng để Việt Nam có thể sản xuất ra những tựa game đẳng cấp thế giới thì doanh nghiệp cần phải đầu tư mạnh hơn, liều hơn nữa.
Trong quá trình sản xuất game online, các doanh nghiệp trên thế giới đã đầu tư khá mạnh tay. Tera Online, một trong những tựa game MMOARPG thuộc hàng “khủng” của thế giới hiện nay đã “móc túi” của nhà sản xuất Bluehole Studio tới 50 tỷ won (khoảng 800 tỷ VNĐ). Vì vậy, con số 25 tỷ của Thuận Thiên Kiếm chỉ là “muối bỏ biển” nếu so sánh với Tera Online và các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải học tập điều này nếu như muốn tạo ra những tựa game danh tiếng với mác Việt Nam.
Các doanh nghiệp cần mạnh tay hơn nữa cho việc phát triển game online.
Một vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam thường kêu ca khi nói về phát triển game online là doanh nghiệp thiếu công nghệ và nhân lực. Vấn đề này cũng đúng phần nào với thị trường Việt Nam nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có thể khắc phục được nếu chịu khó đầu tư. Ngoại trừ một số công ty game tự phát triển được engine cho riêng mình thì đa số các công ty khác đều mua lại engine rồi phát triển lên những MMO danh tiếng. Một số cái tên có thể kể đến như Cry Engine của Aion hay Unreal Engine 3 của Tera Online. Vì vậy, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể mua lại các engine nổi tiếng trên thế giới về làm game “made in Vietnam”.
Nhân lực Việt Nam trong lĩnh vực làm game còn yếu và thiếu tuy nhiên chúng ta vẫn có thể thuê các chuyên gia nước ngoài về làm việc cho các dự án tại Việt Nam. Ngành game là một ngành công nghiệp mở vì vậy đội ngũ phát triển game online hoàn toàn không nhất thiết phải đến từ một quốc gia. Đội ngũ phát triển game online của các tập đoàn game online trên thế giới như NCsoft, Blizzard, … là một đội quân đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới và chính họ đã làm nên danh tiếng cho các tựa game của các hãng này. Chính vì thế, chỉ doanh nghiệp dám đầu tư mạnh tay là chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được các điểm yếu này để tạo nên các tựa game đẳng cấp thế giới.
Cái nhìn đúng đắn từ xã hội
Với bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, để phát triển được mạnh mẽ thì không chỉ cần sự quan tâm thích đáng từ xã hội và sự đầu tư của doanh nghiệp mà còn phải nhận được cái nhìn khách quan từ xã hội nữa. Và game online cũng không phải là một ngoại lệ.
Tại Hàn Quốc, nơi được mệnh danh là “thánh địa game online” của thế giới thì xã hội hoàn toàn cởi mở với game online. Ngay cả phụ nữ, người già, thậm chí là trẻ em cũng đều rất say mê với game online. Các game thủ chuyên nghiệp tại Hàn Quốc thậm chí còn được quan tâm và nổi tiếng không kém gì các ngôi sao ca nhạc hay điện ảnh.
Đừng coi game thủ như những “con nghiện”.
Còn tại Việt Nam thì sao ? Game online thì bị coi là “ma túy số”, game thủ thì bị coi là những “con nghiện”. Mọi tệ nạn xã hội như giết người, cướp của đều được vu vạ hết cho game online mà không cần nhận biết đúng sai. Tại sao gia đình không quản được con em mình để chúng làm bậy rồi khi đó lại đổ lỗi cho người khác. Các “chàng trai vàng” StarBoba mang lại vinh quang về cho Tổ quốc khi giành chiến thắng tại các giải đấu game lớn trên thế giới thì lại chẳng thấy được nhắc tên trong khi một người trời ơi nào đó chỉ cần mang trong người một phần dòng máu của Việt Nam và giành được giải bé tý xíu ở tận đẩu, tận đâu là báo chí lại thi nhau tung hô.
Để ngành công nghiệp game phát triển cũng như tạo ra các MMO đẳng cấp thế giới thì chúng ta cần lắm những hành động thiết thực, những cái nhìn khách quan chứ không phải chỉ là những lời nói suông và cái nhìn ác cảm đầy khinh miệt. Nếu như game online nhận được sự quan tâm đúng mực của chính phủ, sự mạnh dạn đầu tư của doanh nghiệp và cái nhìn công bằng từ xã hội thì chỉ khoảng 3 – 5 năm nữa, Việt Nam hoàn toàn có thể có những tựa game đẳng cấp thế giới và xuất khẩu trên toàn cầu.
Ảnh: Tổng hợp
Hàn Thiên Hải
“trong khi một người trời ơi nào đó chỉ cần mang trong người một phần dòng máu của Việt Nam và giành được giải bé tý xíu ở tận đẩu, tận đâu là báo chí lại thi nhau tung hô.” câu này hay đó. Đúng là một lũ trời ơi tung hứng lũ trời ơi. Báo với chả đài, toàn lũ thiếu tròng…
Khi nào VN làm được game tầm cỡ thế giới thì thế giới đã làm được những game tầm cỡ…thiên hà.Nghe nói mà phát buồn cười,chờ Chính phủ thông cảm hả,chờ bằng…niềm tin khỉ gió.Các vị lãnh đạo vẫn có thói mất bò mới lo làm chuồng mà,khi nào trên đất nước VN không còn GO mà tình trạng bạo lực thanh thiếu niên vẫn gia tăng thì có khi các vị ấy sẽ…liếc mắt để ý!! :))
chỉ 1 câu quá ão đi thôi