Tàu tuần dương là mảnh ghép nối giữa đại chiến hạm và tàu khu trục. Nhiều mẫu tàu tuần dương đã được thiết kế để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đơn vị hải quân. Đối với hải quân Nhật Bản, ban đầu tàu tuần dương được chia thành ba cấp tính theo lượng giãn nước nhưng từ sau năm 1912, bất cứ tàu nào có lượng giãn nước hơn 7.000 tấn sẽ được xếp vào cấp 1 còn dưới 7.000 tấn được xếp vào cấp 2. Và đây cũng chính là nguyên tắc cơ bản để phân loại tàu tuần dương. Tại thời điểm này, yếu tố duy nhất được tính đến là lượng giãn nước chứ không phải vũ khí trang bị trên tàu.
Năm 1921, hiệp ước hải quân Washington được ký kết. Hiệp ước này nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang bằng cách giới hạn việc xây dựng hải quân và trong hội nghị ký kết hiệp ước, các quốc gia cũng chủ yếu thảo luận việc giới hạn các loại tàu hải quân cỡ lớn như đại chiến hạm. Tuy nhiên các loại tàu khác cũng bị giới hạn với lượng giãn nước tối đa là 10.000 tấn và nòng pháo 8 inch (20,3 cm). Điều này nghĩa là bất cứ loại tàu nào vượt quá giới hạn trên đều được tính là đại chiến hạm và buộc phải tuân thủ theo quy định của hiệp ước. Tuy nhiên chính điều này lại gây ra cuộc chạy đua vũ trang của các tàu dưới 10.000 tấn. Các tàu chiến lớp Myoko và Takao của Nhật Bản với hỏa lực tương đương đại chiến hạm đã được ra đời trong khoảng thời gian này.
Hiệp ước hải quân Luân Đôn năm 1930 cũng đặt ra giới hạn cho các tàu tuần dương. Tàu tuần dương được định nghĩa là các tàu có lượng giãn nước nằm trong khoảng từ 1.850 đến 10.000 tấn, nòng pháo trong khoảng từ 6,1 inch (15,5 cm) đến 8 inch (20,3 cm), được quy định cụ thể ở mỗi quốc gia.
Tàu tuần dương hạng nặng và hạng nhẹ có sự khác biệt rất lớn. Hải quân mỗi nước lại thiết kế tàu tuần dương một cách khác nhau. Hãy lấy Nhật Bản làm ví dụ.
Bị ràng buộc bởi các hiệp ước hải quân trong khi Nhật Bản phải đối phó với Mỹ, quốc gia vốn có ưu thế vượt trội nhờ sở hữu hạm đội hải quân không lồ. Để bù đắp cho mặt số lượng, Nhật Bản cố gắng phát huy hết ưu thế của hạm đội tàu khu trục có khả năng tấn công bằng ngư lôi. Một vài tàu khu trục sẽ tạo thành sư đoàn khu trục rồi từ đó lập thành liên đội khu trục. Các liên đội khu trục này sẽ bao vây và tấn công tàu chỉ huy địch bằng ngư lôi cực mạnh. Hải quân Nhật Bản thiết kế tàu tuần dương hạng nhẹ để chỉ huy sư đoàn khu trục và vô hiệu hóa tàu khu trục làm nhiệm vụ phòng thủ của địch, tạo cơ hội cho sư đoàn khu trục bên mình tiếp cận gần hơn. Sau khi tiêu diệt xong tàu khu trục địch, tàu tuần dương cũng sẽ trực tiếp tham gia tấn công bằng ngư lôi.
Với hỏa lực mạnh tương đương đại chiến hạm, tàu tuần dương hạng nặng được sử dụng để tấn công tàu tuần dương và tàu khu trục địch đồng thời sẵn sàng đối đầu với đại chiến hạm địch nhờ giáp dày và ngư lôi mạnh. Bạn sẽ thấy đặc điểm này trong nhánh tàu tuần dương hạng nặng của Nhật Bản trong World of Warships.
Muốn sử dụng tàu tuần dương hạng nhẹ một cách thành công, chỉ huy tàu phải rất khéo léo bởi hỏa lực của chúng không mạnh như các loại tàu khác. Bạn nên phối hợp chặt chẽ với tàu khu trục để có thể gây sát thương lớn nhất trong khoảng thời gian ngắn.
Tổng hợp từ worldofwarships.asia